CHƯƠNG 3

Mến Chúa

Các vị thần bí thường tập sống trọn lành để đi tới tình yêu, trái lại Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu lại lấy ngay tình yêu làm con đường trọn lành.  Tình yêu là đối tượng trong cả đời sống, là động lực trong mọi hành động của Chị.

Làm vui lòng Chúa

“Các vị đại thánh đã hành động để làm vinh danh Chúa, còn em vì là một linh hồn bé mọn nên em làm việc để vui lòng Chúa, để thoả mãn những ‘sở thích’ của Chúa và em sẽ sung sướng được chịu những đau khổ lớn lao nhất, dầu giả như Chúa không biết tới cũng vậy. Chịu đau khổ như thế không phải để đem lại cho Chúa một vinh quang chóng qua, (thường vinh quang đó sẽ đẹp lắm!) mà chỉ cầu để Chúa sẽ nở nụ cười tươi trên môi… Nhiều người muốn mình là kẻ hữu ích! Còn em, điều em mơ ước là được trở nên một đồ chơi vô dụng trong tay Chúa Giêsu bé thơ… Em, em là ‘trò giải trí mau qua’ của Giêsu bé thơ…”.

Trong khi đau yếu, Chị đã thổ lộ với tôi:

- Em luôn chỉ ước mong một điều là làm vui lòng Chúa. Nếu em chỉ tìm cách thu tích công nghiệp thì tới ngày Chúa đến em sẽ phải thất vọng mất. Đúng như vậy, vì Chị hiểu rằng, mọi sự công chính của chúng ta đều còn tì ố trước nhan Chúa” 49. Nên với lòng khiêm tốn Chị kể công việc mình làm không có một giá trị gì và Chị quan tâm đến lòng yêu mến đã thúc đẩy chị làm
việc.

Chị nói: “Chúa đã chịu cực đủ rồi. Ngài tha thiết yêu chúng ta mà buộc lòng phải để chúng ta nơi trần thế này để chúng ta hoàn tất thời gian thử luyện, nên chúng ta đừng nói hoài với Chúa rằng mình phải cực khổ nữa, không nên làm ra vẻ nhận thấy điều đó”. Khi Chị toát mồ hôi vì trời nóng hay chịu lạnh buốt trong mùa đông, Chị có tư tưởng tuyệt hảo này là chỉ lau mặt và chỉ xoa tay “một cách vụng trộm như thể để Chúa không đủ thời giờ nhìn thấy…”.

Khi làm việc hãm mình theo Luật dòng dạy cũng vậy: “Em cố gắng tươi cười lúc đó để Chúa như thể mắc lừa vì nét mặt tươi vui, mà không nhận ra em đang đau đớn”. Với giọng ngây thơ Chị nói: “Khi lên trời nếu em không được mọi điều em ước muốn, em sẽ rất cẩn thận kẻo Chúa biết và Người sẽ không nhận ra được là em ‘thất vọng’”.

 

Vui mừng vì không có lấy một tâm tình tế nhị

- “Chị thật tế nhị với Chúa! Còn em, em muốn quá mà không có!… Lòng em ước ao như vậy có bù đắp lại được phần nào không?

- Dĩ nhiên có chứ, nhất là khi chị đón nhận với lòng khiêm tốn. Ngay cả khi chị vui vẻ vì mình thiếu như thế, thì chị lại còn làm đẹp lòng Chúa Giêsu hơn là khi chị có tâm hồn tế nhị. Lúc đó chị hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì con không có chút tế nhị nào cả và con sung sướng thấy người khác có được tư cách đó… Lạy Chúa, mọi việc Chúa làm đều cho con tràn ngập tươi vui”

50.

Hối hận vì đã đọc

Ngọn lửa tình yêu nơi Chị luôn tinh tuyền và mãnh liệt như vậy là vì Chị luôn thận trọng để không dính bén tạo vật và chỉ nuôi dưỡng tình yêu bằng hy sinh thôi. Có lần chúng tôi ở trong thư viện, Chị nói với dáng điệu vui vẻ thường ngày: “Ồ! Em sẽ buồn biết bao nếu em đã đọc hết những cuốn sách này!”.

- Tại sao vậy, vì nếu đọc thì mình được thêm kiến thức kia mà. Có hối tiếc vì phải đọc chứ sao lại vì đã đọc?

- Này nhé, nếu em đã đọc thì em đến điên đầu lên mất và em sẽ bị phí một thời gian quý báu, thời gian em dùng để chỉ yêu mến Chúa thôi”.

 

Quảng đại

Tôi bảo Chị rằng Chúa đòi hỏi tôi nhiều hơn chị em khác, chẳng hạn chị này chị nọ có này có nọ mà tôi thì không. Chị trả lời:

- “Chúa đòi thế nào thì em luôn bằng lòng thế đó, em không băn khoăn gì tới việc Chúa đòi người khác, và em cũng không cho rằng mình có nhiều công hơn kẻ khác vì Chúa đòi hỏi nơi em nhiều hơn. Điều làm em vui sướng và nếu em được chọn lựa, thì đó là chỉ làm như Chúa muốn em làm. Em luôn thấy phần Chúa dành cho em thật đẹp đẽ… ngay cả việc người khác có nhiều công nghiệp trong khi chỉ phải ban phát ít, thì em cũng vốn thích có công nghiệp mà lại được ban phát nhiều, vì như vậy thì em sẽ làm trọn thánh ý Chúa”.

Tôi bảo Chị thật sung sướng được “ra đi với Chúa”, nên Chị trả lời:

- “Em ước ao được ra đi không phải để tìm sung sướng chút nào cả. Đau khổ còn hấp dẫn, làm em thích nó hơn là lên trời nữa kia! Em ước mong giờ chết là vì như vậy chắc chắn làm trọn thánh ý Chúa, nếu không thì em thà sống chịu đau khổ như tử đạo còn hơn!”.

Tuy buồn phiền vì các hội dòng bị bách hại, nhưng mắt Chị sáng lên khi nghĩ rằng chúng tôi có thể phải đổ máu mình ra. Chị có những lời lẽ hết sức hăng nồng chứng tỏ lòng Chị yêu mến mãnh liệt.

Trong những ngày bệnh sau hết, tôi thấy Chị kêu lên:

- Tôi mà sẽ chết trên giường êm ấm ư? Ước chi tôi được ngã gục trên hí trường!

 

Bàn thờ do ông Martin công đức

Khi cha tôi công đức bàn thờ chính cho nhà thờ Chánh Toà Saint Pierre ở Lisieux thì có một số người trong gia đình không bằng lòng, vì cho là một tặng vật quan trọng vượt quá sức cha tôi, có thể để con cái thiếu thốn 51. Têrêsa sung sướng về việc này, Chị nói: “Sau khi cha đã dâng tất cả chúng mình cho Chúa thì dĩ nhiên cha phải dâng thêm bàn thờ để tế hiến chúng mình và tế hiến luôn chính cha nữa chứ!”.

Hái hoa những cây ăn trái

Tôi tâm sự với em tôi rằng trong Giờ Kinh Nhật Tụng tôi coi mình như vãi hoa dâng tiến Chúa. Khi luân phiên đọc Thánh Vịnh, tôi thấy cả một trận mưa hoa!
Hoa thay đổi theo từng Thánh Vịnh. Khi thì hoa huệ, lúc lại hoa hồng. Tất cả các loại hoa tự nhiên xuất hiện trong trí tôi đều như diễn qua trong lời kinh. Cuối cùng vườn hết hoa! Chỉ còn loại hoa những cây ăn trái, tôi do dự một chút rồi đưa tay hái hoa đào, hoa anh đào, hoa mơ… và cuối cùng giờ kinh nhật tụng thì không còn sót lại cánh hoa nào cả.

Ý nghĩ hái cả hoa những cây ăn trái làm Têrêsa thích thú. Chị lưu ý tôi rằng đặc điểm của tình yêu là hy sinh tất cả, là trao tặng không tiếc tay, là không còn nghĩ tới hoa sắp thành trái, là hành động như điên dại, vung vãi cùng độ và không bao giờ tính toán.

Chị nói: “Không quản gì với tình yêu, say lên vì yêu. Ôi sung sướng! Tình yêu ban phát tất cả và tín thác! Nhưng thường chúng ta chỉ ban tặng sau khi đã tính toán, chúng ta do dự trong việc hy sinh lợi ích trần thế cũng như tinh thần! Tình yêu thì không như thế! Yêu là mù quáng, yêu là ngọn thác không để lại một vật gì trên dòng nước cuốn!”.

 

Chỉ tin cậy vào duy có tình yêu

Lần khác tôi bảo chị:

- Điều em ước ao ở Chị là công việc Chị làm. Em cũng muốn làm những công việc hữu ích, muốn sáng tác những điều giúp yêu mến Chúa!

- Không được để trí lòng vào những cái đó. Chị nghe em đi, viết những sách đạo đức, sáng tác những lời kinh kỳ diệu, tạo nên những công trình nghệ thuật…
Ồ! Không, trước sự bất lực của chị em mình, chúng ta phải lấy công việc của các người khác để dâng lên Chúa, đó là điều lợi ích do việc các thánh cùng thông công, và bất lực đó, thay vì gây buồn rầu, thì chúng ta phải tin cậy vào duy có tình yêu thôi. Tauler đã nói: “Nếu tôi quý mến sự thiện hảo nơi tha nhân hơn chính họ quý mến, thì sự thiện hảo đó thuộc về tôi hơn là thuộc về họ. Nếu tôi yêu quý nơi thánh Phaolô mọi ân huệ Chúa đã ban cho Ngài thì tất cả những ân huệ đó thuộc về tôi cũng như đã thuộc về Ngài vậy. Nhờ hiệp thông như thế, tôi có thể trở nên sung mãn bằng tất cả những thiện hảo trên trời cũng như dưới đất, những thiện hảo nơi các thiên thần, các thánh cũng như nơi mọi kẻ mến yêu Chúa”.

Các vị tiến sĩ dạy rằng ở trên trời tình yêu rằng buộc các thánh đến nỗi mỗi vị hưởng hạnh phúc của các vị khác như thể chính mình có công và chính mình được vui nếm hạnh phúc đó vậy 52.

Chị cũng sẽ làm được mọi việc lành như em và còn hơn thế nữa, nhờ điểm này là chị ước ao làm việc lành đó và nhờ chị biết chu toàn công việc bé nhỏ âm thầm nhất vì yêu mến. Chẳng hạn như chị vui lòng giúp đỡ một việc làm chị phải cố gắng rất nhiều.

Chị biết rõ là em nghèo hèn lắm, nhưng Chúa nhân lành ban cho em lần hồi mọi điều em cần thiết”.

 

Chỉ có tình yêu và đức vâng lời là đáng kể

Mùa đông năm 1896-1897, Mẹ Bề trên (Mẹ Marie de Gonzague) không muốn để Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu phải lạnh giá bàn chân, nên đã truyền Chị dùng một loại lò sưởi bằng than để đôi dép Chị đi luôn ấp áp 53. Nhưng Chị chỉ dùng lò sưởi vì vâng lời và dùng khi thật cần thiết rồi để lò tắt ngấm khi cho là trời không lạnh lắm! Lò tắt như vậy không vừa ý tôi chút nào hết!

“Người khác sẽ trình diện trên trời với những dụng cụ hành xác, còn em, em sẽ trình diện với chiếc lò sưởi. Nhưng chị ạ, chỉ có tình yêu và đức vâng lời là đáng kể”.

 

Người đã xây dựng thánh đường

Chị Têrêsa thuật lại với chúng tôi: “Em đọc chuyện một vị lãnh chúa nọ muốn xây cất một thánh đường. Ông ra chiếu chỉ lệnh cho các chư hầu không được lạc quyên chi cả vì ông muốn chỉ mình ông được vinh dự đó thôi và nhà thờ đã được xây cất theo ý ông.

Ngày kia có một bà già thấy đoàn ngựa kéo đá phải khó nhọc lắm mới lên được trên đồi, nên tự nhủ: đã có lệnh cấm dâng cúng tiền bạc để xây cất đền thờ Chúa, tuy vậy tôi cũng sung sướng được góp phần vào việc này, không hiểu nếu tôi giúp đỡ những con vật đang làm việc một cách vô tri như thế kia thì có làm vui lòng Chúa không nhỉ? Túi chỉ còn lại mấy đồng, bà dùng cả số tiền mua một bó cỏ cho ngựa ăn.

Khi xây cất xong, vị lãnh chúa muốn cử hành lễ cung hiến và truyền đặt bia khắc tên ông cùng với gia đình để muôn đời làm chứng lòng hào hiệp của ông. Nhưng hôm sau tên ông bị xoá đi và người ta thay thế vào đó tên một người đàn bà không ai biết. Vị lãnh chúa nổi giận truyền sửa lại nhiều lần, nhưng sự kiện lạ lùng kia vẫn tái diễn hoài. Sau cùng, ông lệnh cho truy tầm mụ. Khi thấy người đàn bà nghèo hèn, ông tra hỏi xem bà có góp chút chi vào việc xây cất thánh đường không.
Run rẩy sợ hãi, bà chối dài. Nhưng bị hỏi dồn dập mãi, bà mới nhớ ra bó cỏ khô lúc trước và nói rằng vì có lệnh cấm nên bà không dâng cúng tiền của mà chỉ giúp đỡ bầy ngựa bằng cách cho chúng ăn ít cỏ thôi. Lúc đó người ta mới hiểu tại sao tên bà được khắc vào bia và không còn ai dám xoá bỏ tên bà nữa”.

Têrêsa kết luận:

- Chị em thấy rõ là một việc nhỏ bé âm thầm đến đâu chăng nữa, nếu làm vì yêu mến thì luôn có giá trị hơn những công trình vĩ đại. Điều đáng kể không phải là công việc có giá trị hay bề ngoài có vẻ thánh thiện, mà chỉ hệ tại làm vì yêu mến nhiều hay ít. Do đó không ai có thể bảo mình không dâng lên Chúa những việc bé nhỏ như vậy được, vì nó vừa sức mọi người.

 

Chỉ một nhịp cánh…

“Chị nên ghi nhớ câu thơ sau đây trong Nhã Ca tinh thần của Cha Thánh Gioan Thánh Giá”:

Trở lại đây bồ câu ta hỡi

Này chàng nai mình mang thương tích
Đang vươn lên tiến ra đỉnh đồi
Vì chàng ngây ngất dáng nàng bay
Và nhịp cánh khiến chàng tươi say 54.

Chị thấy chưa, vị Lang Quân là Chàng nai mình mang thương tích không
ngây ngất vì chiều cao tức là vì những công việc rực rỡ, mà chỉ say mê vì dáng bay và chỉ một nhịp cánh - tức là một hành động vì bác ái chân thật - thì đã đủ tạo nên làn gió tình yêu này rồi”.

 

Lễ vật dâng lên tình yêu dung thứ

Trong lúc chầu Mình Thánh 40 giờ liền - hôm thứ ba 26.2.1895 - Têrêsa đã sáng tác một mạch bài ca “Sống Tình Yêu” của Chị (Vivre d’Amour).
 Đến Chúa nhật 9-6 năm đó là lễ kính Chúa Ba Ngôi, trong thánh lễ Chị được thần cảm dâng mình làm hiến tế đền tạ Tình Yêu Dung Thứ của Chúa, để nhờ thế chị nhận được vào lòng mình tất cả Tình Yêu Chúa muốn đổ tràn trên các thụ tạo nhưng họ đã chối từ.

Vừa lễ xong, lòng thổn thức Chị kéo tôi theo Chị, làm tôi không hiểu vì lý do gì. Ngay sau đó chúng tôi gặp Mẹ Bề trên (Mẹ Agnès de Jésus) đang đi về phía phòng khách. Têrêsa hơi lúng túng trong khi trình bày. Chị ấp úng xin được cùng tôi tận hiến cho Tình Yêu Dung Thứ. Tôi không biết rõ Chị có nói tiếng:
“Lễ vật hy sinh” (victime) hay không. Xem ra điều đó không quan trọng, nên Mẹ Bề trên đã trả lời: được.

Khi chỉ còn lại riêng Têrêsa và tôi, mắt sáng như lửa, Chị cắt nghĩa cho tôi hiểu Chị muốn làm gì. Chị bảo sẽ viết ra các điều Chị suy nghĩ và sáng tác một kinh Tận Hiến.

Hai ngày sau, chúng tôi quỳ trước tượng Đức Trinh Nữ Làm Phép Lạ Mỉm Cười, lúc đó tượng này đặt ở cạnh phòng Chị. Chị đã đọc kinh Tận Hiến thay cho hai chúng tôi. Hôm đó là thứ ba 11-6.

Sau này Chị Têrêsa trao bản kinh cho chị Marie du Sacré Coeur và chị Marie de la Trinité55. Chị đã nói tới việc này trong cuốn Bút Ký56. Chị mời tất cả mọi tâm hồn bé nhỏ tham dự vào việc tận hiến này.

Thật ra theo ý Chị thì đây không phải là dâng mình để chịu thêm những đau khổ quá bổn phận mình, nhưng là phó thác với lòng tin cậy hoàn toàn nơi lượng Từ Bi Chúa.

Chị Marie du Sacré Coeur là chị Cả trong gia đình chúng tôi, lúc đầu không bằng lòng dâng mình theo kinh Tận Hiến đó, vì chị không muốn tự chuốc lấy những thử thách thái quá.

Về chuyện này, chị Y tá của Chị ghi lại, những hàng chưa được công bố, trong cuốn sổ riêng như sau:

“Hôm nay mồng 6 tháng 6 năm 1934, tôi nói với chị Marie du Sacré Coeur về kinh Tận Hiến cho Tình Yêu Dung Thứ. Chị cho tôi hay là lúc phơi cỏ khô ngoài sân, khi ấy Chị Têrêsa đang ở bên cạnh chị và đã hỏi xem chị có bằng lòng dâng mình làm lễ vật tận hiến cho Tình Yêu Dung Thứ không. Chị đã trả lời Têrêsa: Dĩ nhiên là không. Chị không dâng mình làm lễ vật hy sinh đâu. Chúa sẽ nhận lời và chị khiếp sợ đau khổ lắm. Ngay cả tiếng “Lễ vật hy sinh” (victime) chị cũng không ưa chút nào cả”.

Têrêsa nhỏ đáp lại là Chị biết như vậy lắm, nhưng dâng mình làm lễ vật hy sinh cho Tình Yêu không giống như việc dâng mình phạt tạ phép Công Thẳng Chúa. Chị bảo dâng mình như vậy cũng không phải chịu đau khổ gì hơn, song để yêu mến nhiều hơn hầu đền bù thay cho những kẻ không muốn yêu Chúa.

Chị Marie du Sacré Coeur còn tiếp: “Têrêsa trở nên nói năng linh hoạt tới nỗi tôi thuận theo em và không ân hận chút nào về việc mình làm cả”.
Có điểm đáng chú ý là về sau chị Marie du Sacré Coeur đã cổ võ để tất cả những bạn hữu cũng như những người chị có dịp giao dịch đọc kinh dâng mình đó. Theo như tôi biết thì chỉ có một người từ chối lời Chị mời thôi.
  Chính trong lúc thì thầm nhắc lại từng tiếng bản kinh Tận Hiến này mà chị Marie du Sacré Coeur tắt thở hồi 2 giờ 20 phút ngày 19 tháng 1 năm 1940.
Ở đây tôi cũng xin ghi thêm lời một chị bạn Nhà tập tâm sự với tôi, là chị Marie de la Trinité:

“Đến ngày 30.11.1895, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu mới cho em biết việc Chị tận hiến như lễ vật toàn thiêu cho Tình Yêu Dung Thứ. Em liền tỏ ý muốn được theo Chị và việc em dâng mình được ấn định vào ngày hôm sau.
   Khi một mình suy nghĩ về sự bất xứng, em thấy cần phải chuẩn bị lâu dài hơn vì đây là một việc thật hệ trọng. Em tìm gặp Chị Têrêsa bày tỏ lý do khiến em muốn hoãn việc dâng mình lại.

Niềm vui sướng hiện rõ trên nét mặt, Chị trả lời:

- Đúng thế, việc này thật hệ trọng tới nỗi chúng ta không thể tưởng tượng nổi, nhưng chị có biết điều Chúa xin chúng ta chuẩn bị là gì không? Một điều này thôi là khiêm nhường nhận mình bất xứng, và vì Chúa ban cho chị ơn đó, thì chị cũng hãy gieo mình vào lòng Người không chút sợ hãi. Ngày mai sau khi cám ơn Rước lễ, em sẽ quỳ bên chị trong phòng đặt Mình Thánh Chúa, và trong khi chị đọc kinh dâng mình, thì em sẽ dang chị lên Chúa Giêsu như một lễ vật tận hiến bé nhỏ em đã dọn sẵn cho Ngài”.

Nếu Chị Têrêsa nghĩ việc tận hiến cho Tình Yêu này mang lại cho chúng tôi nhiều đau khổ phụ trội thì Chị đã không hăng say khích lệ chúng tôi như thế. Trái lại, Chị đã xác định rõ là cử chỉ tận hiến đó khác hẳn với công việc tận hiến cho Phép Công Bình Chúa: “Ta không phải sợ hãi gì hết khi tận hiến cho Tình Yêu Dung Thứ, vì ta chỉ nhờ nhận lãnh lòng bao dung phát ra từ Tình Yêu đó mà thôi”.

Chị nhấn mạnh rằng việc tận hiến này không đòi điều gì khác ngoài thiện chí và lòng quảng đại. “Thiện chí và lòng quảng đại” được nâng đỡ bằng ơn thánh ban cho trong chính giây phút hiện tại. Việc tận hiến cho Tình Yêu làm cho ơn hiện sủng thêm sung mãn và càng tận hiến toàn diện bao nhiêu thì ơn Chúa phù trợ càng mau lẹ và hữu hiệu bấy nhiêu.

 

Ống kính ngũ sắc

Chị nói với tôi nhân một đồ chơi thông dụng chúng tôi thường vui chơi hồi thơ ấu. Đó là chiếc ống kính ngũ sắc, thuộc loại ống dài, người ta nhìn thấy những màu sắc kỳ thú ở đầu ống đằng kia. Nếu xoay ống, thì màu sắc và hình thể sẽ biến đổi vô tận.

Chị bảo tôi: “Thật đáng thán phục! Em tự hỏi không hiểu tại sao có được những cảnh đẹp đẽ như thế? Rồi một hôm quan sát cẩn thận, em nhận ra đó chỉ là mấy mẩu giấy và mấy sợi len vất ngổn ngang không có hình dáng nhất định nào cả. Tiếp tục tìm tòi và em thấy có ba tấm gương ở bên trong ống. Em đã nắm được chìa khoá của vấn đề.

Đối với em, đây là hình ảnh của một huyền nhiệm vĩ đại. Bao lâu công việc ta làm dầu bé nhỏ đến đâu đi nữa, nếu không ra ngoài trung tâm Tình Yêu, là Chúa Ba Ngôi, ở đây được coi như ba tấm gương hội tụ thì bấy lâu sẽ được phản chiếu và có vẻ đẹp huy hoàng.

Đúng thế, bao lâu lòng chúng ta còn yêu mến, không bị tách ra ngoài trung tâm, thì bấy lâu mọi sự đều tốt đẹp57 và như thánh Gioan Thánh Giá nói: ‘Tình yêu biết lợi dụng mọi sự nơi tôi, dù việc tốt lành cũng như xấu xa và biến đổi mọi sự trở nên tình yêu’ 58. Chúa nhân từ nhìn xem chúng ta qua cặp kính, nghĩa là qua chính Chúa và Ngài thấy những cọng rơm đáng thương nơi ta cũng như những việc thật vô nghĩa ta làm đều trở nên tốt đẹp, nhưng để được vậy thì điều cần là không lìa xa trung tâm cặp kính! Vì nếu xa trung tâm thì Ngài sẽ nhìn rõ đó chỉ là những vụn len và những mẩu giấy ti tiểu”.

 

Em đánh bài ở ngân hàng tình yêu

Chị hay nói với tôi là Chị không muốn thành người “bốn mùa bán rong”, vì nghề này không kiếm được lời lớn mà phải bòn nhặt từng xu. “Tuy vậy vốn có những tâm hồn kiếm từng xu như vậy, họ đòi để được trả từ từ. Còn em, em đánh bài ở ngân hàng Tình Yêu… Em đánh bài ăn lớn. Nếu có thua, thì rồi sau này em cũng sẽ được biết. Em không quan tâm gì tới việc chi tiêu tiền riêng cả, vì chính Chúa Giêsu làm việc đó cho em nên em cũng không biết mình giàu hay nghèo nữa. Sau này em sẽ biết”.

 

“Chúa là ngọn lửa thiêu huỷ”

Có lần tay cầm Thánh Thư của thánh Phaolô, Chị gọi tôi và nói giọng hăng say: “Chị nghe đây, Thánh Tông đồ đã nói: không phải với cái gì hữu hình rờ được mà anh em đã tiếp xúc (bằng tình yêu) cũng không phải với lửa rực cháy hay với lời nói thét gầm… Trái lại anh em đã tiến đến núi Sion và thành của Thiên Chúa hằng sống, Giêrusalem trên trời, giữa vạn vạn thiên thần và giữa cộng đoàn trưởng tử… vì Thiên Chúa chúng ta là ngọn lửa thiêu huỷ 59. Rồi Chị cảm động giải nghĩa cho tôi những tiếng cuối cùng trong đoạn trên.